Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

THƠ THẦY THÁI BÁ TÂN 2


316
Đời, quan trọng chữ Nhẫn.
Mất ít mà được nhiều.
Kiên nhẫn với bạn gái,
Ta sẽ được tình yêu.

Kiên nhẫn với số phận
Và công việc của mình,
Thì hoặc sớm, hoặc muộn,
Ta được cái tốt lành.

Chữ Nhẫn còn giúp tránh
Các quyết định sai lầm.
Tự lúc nào không biết,
Nó biến thành chữ Tâm.

*
Bản thân tôi, nói thật,
Chưa thấy ai trên đời
Thiều đức tính kiên nhẫn
Mà thành đạt, nên người.


Phần 11: GIÁC NGỘ

Giờ tiếp giờ, cứ thế,
Rất thanh thản Ngài ngồi.
Ngài ngồi yên thiền định,
Lặng lẽ thời gian trôi.

Nhờ tập trung cao độ,
Tâm trí Ngài sáng dần,
Sáng dần, sáng dần mãi,
Như Ngài đang hóa thân...

Bỗng trí tuệ bừng sáng.
Bỗng mọi điều đổi thay.
Cuối cùng Ngài giác ngộ.
Thật kỳ diệu điều này!

Ngài nhìn thấy kiếp trước,
Nhìn thấy cả kiếp sau.
Chết là sự kết thúc
Của cái mới bắt đầu.

Mọi cái, mọi hành động
Luôn theo vòng chuyển luân.
Có nhân là có quả,
Có oán là có ân.

Ác giả thì ác báo.
Ở hiền thì gặp lành.
Luật của đời là vậy,
Không ai trốn thoát mình.

Nhờ giác ngộ, Ngài biết
Trong vũ trụ mênh mông
Mọi vật không mà có,
Có mà lại như không.

Và rằng quả núi lớn
Cũng như hạt cát đen
Có lý do tồn tại,
Không cái gì ngẫu nhiên.

Vạn vật luôn thay đổi,
Hết hoại lại đến thành.
Vạn vật luôn gắn kết
Dù lúc chậm, lúc nhanh.

Ngài biết con người khổ,
Từ vua đến người dân,
Vì ham muốn nhiều quá,
Toàn cái không thực cần.

Họ khổ vì thù hận,
Vì quá yêu chính mình,
Vì ác với người khác,
Vì rơi vào vô minh.

Cuối cùng, nhờ giác ngộ,
Ngài hiểu được điều này -
Chính Hỉ, Nộ, Ái, Ố
Làm cuộc đời đắng cay.

Rằng đau khổ sẽ hết
Khi ta biết yêu thương,
Không ham tìm lạc thú,
Sống giản dị, bình thường.

Tất Đạt Đa giác ngộ,
Tâm không còn vô minh.
Ngài trở thành Đức Phật,
Tự giải thoát chính mình.

Với nụ cười an lạc,
Ngài nhẹ nhàng xả thiền.
Lúc ấy trời vừa sáng.
Thế giới thật bình yên.


560
Hai Cụ tôi lạ lắm.
Đã là U 100.
Tiền con cho, cũng khá,
Cứ tích góp nhiều năm.

Lạnh, không dùng lò sưởi.
Nóng, không bật điều hòa.
Áo mới không chịu mặc.
Cơm chỉ thích dưa cà.

Hỏi vì sao các Cụ
Có tiền không tiêu đi?
“Vì đời còn dài lắm.
Ai biết trước điều gì?”

Là ý các Cụ nói
Dành cho con, ôi trời.
Tôi là con, ông lão,
Cũng là U 70.

Các Cụ lo tôi ốm,
Lo mất việc, đói ăn.
Cuộc đời tráo trở lắm.
Tiền lúc nào cũng cần.

Thế đấy các bác ạ.
Buồn cười thì buồn cười.
Nhưng đó là bài học
Giúp cháu con thành người.


417
Con người, về bản chất,
Là hám lợi, hám tiền.
Ta có tham một chút,
Cũng không đáng ngạc nhiên.

Nhiều người luôn tính toán,
Cái gì cũng vơ vào.
Thế mà rồi rốt cục,
Nghèo vẫn nghèo, vì sao?

Là vì, các cụ nói,
Anh tính giỏi đến đâu
Cũng không bằng trời tính.
Đời có số nghèo, giàu.

Nói thì nghe mê tín,
Nhưng thật lạ, càng già,
Càng thấy điều ấy đúng.
Cứ ngẫm từ chính ta.

Vậy buông xuôi, mặc kệ?
Không hẳn, về phần mình,
Ta cố sống thật tốt,
Có tâm và có tình.

Và rồi, lại mê tín,
Ta sẽ thấy khi già,
Rằng ăn ở phúc đức,
Trời sẽ không phụ ta.

BÀI QUAN TRỌNG HÔM NAY

THƯ CĂN DẶN CON CỦA MỘT CHÍNH KHÁCH

Đây là lá thư của ông Tôn Vận Tuyền, một chính khách nổi tiếng của Đài Loan gửi các con ông lúc còn sống. Lá thư là sự đúc kết kinh nghiêm từ cuộc đời của ông.

Chào các con thân mến.
Khi viết những dòng này,
Bố dựa trên nguyên tắc
Rằng ta sống hôm nay

Không một ai biết trước
Sống hoặc chết lúc nào.
Vậy có gì cứ nói.
Nói sớm cũng không sao.

Bố nói còn bởi lẽ,
Những điều này tâm tình
Không ai khác ngoài bố
Nói với các con mình.

Đó là những đúc kết
Bố chắt lọc xưa nay.
Thì bố cứ dặn trước.
Hãy nhớ những điều này.

*
Một, ai đó đối xử
Không tốt với các con,
Đừng để tâm nhiều quá,
Cũng không đáng để buồn.

Không ai có nghĩa vụ
Đối xử tốt với ta,
Ngoài những người thân nhất,
Như bố mẹ, ông bà.

Ai đó đối xử tốt,
Phải cảm ơn người này.
Nhưng cũng nên cẩn thận,
Vì người đời xưa nay

Làm việc luôn suy tính.
Thấy họ tốt, chí tình,
Cũng chưa kết luận vội
Họ là bạn của mình.

Hai, không ai bất biến,
Lại càng không có gì
Ta phải bám chặt mãi.
Cần đi thì cho đi.

Hiểu được chân lý ấy,
Nếu bạn đời các con
Vì lý do nào đó
Muốn chia tay, đừng buồn.

Ba, đời người ngắn ngủi.
Ta lãng phí thì giờ
Là lãng phí cuộc sống.
Vậy ngay từ bây giờ

Phải biết sống hữu ích.
Vì tuổi thọ con người
Đo bằng chính những việc
Ta làm được trong đời.

Bốn, nhiều người thành đạt
Không nhờ do học hành.
Tuy nhiên, không vì thế
Mà sao nhãng học hành.

Học để có kiến thức.
Kiến thức giúp thông minh.
Nó cũng là vũ khí
Trong cuộc đời mưu sinh.

Ta có thể lập nghiệp
Với hai bàn tay không.
Nhưng trong tay phải có
Tấc sắt hay tấc đồng.

Năm, bố không bắt buộc
Các con nuôi cha mình
Trong nửa đời con lại.
Phần các con, trưởng thành,

Các con tự xoay xở.
Phần bố đã làm tròn.
Hạnh phúc hay bất hạnh,
Sướng khổ, tùy các con.

Sáu, các con có thể
Bắt mình phải giữ lời,
Nhưng các con không thể
Bắt người khác giữ lời.

Các con có thể tốt,
Cư xử có nghĩa tình,
Nhưng khó bắt người khác
Cư xử tốt với mình.

Các con phải ghi nhớ
Chân lý này hiển nhiên.
Nếu không, sớm hoặc muộn
Sẽ cảm thấy buồn phiền.

Bảy, bố mua vé số
Trong ba mươi năm qua,
Nhưng không bao giờ trúng,
Vẫn nghèo khi về già.

Điều ấy cho ta thấy
Khi sống ở đời này,
Muốn giàu phải lao động,
Không trông chờ vận may.

Tám, vì do duyên phận,
Một khi là gia đình,
Thì phải sống hòa thuận
Với người thân của mình.

Rất có thể không có
Cái gọi là kiếp sau.
Vậy, kiếp này ta sống,
Phải luôn thương yêu nhau.


Bài quan trọng, mới viết cách đây một phút để hầu các bác nữ đang kén chồng!

THƯ CỦA NHÀ VĂN PHÁP GỬI CON GÁI

Có một nhà văn pháp,
Ông Rene Certone,
Chiến tranh, bị Đức bắt,
Đã gửi thư cho con.

Chả là cô hỏi bố
Nên chọn chồng ra sao.
“Con gái ạ, - ông viết. -
Việc con chọn người nào

Là do con quyết định.
Bố không thể làm thay.
Chọn và chịu trách nhiệm
Cuộc đời con sau này.

Bố hồi hộp chờ đợi
Vào một ngày không xa.
Có chàng trai nào đó
Được con dẫn về nhà.

Bố sẽ yêu anh ấy,
Tức chồng con tương lai.
Càng vui, nếu không quá
Khéo nói và bảnh trai.

Vì những người như thế,
Con tin không thì tùy,
Thường là không chung thủy,
Hợm hĩnh và kiêu kỳ.

Bố cũng hay định kiến,
Không thích những chàng trai
Quá chỉn chu, chải chuốt
Và chăm sóc vẻ ngoài.

Vì sao? Vì làm thế
Tức là họ vô tình
Lo cho họ nhiều quá
Mà quên vợ con mình.

Tương tự, bố không thích
Những anh chàng xuềnh xoàng,
Lố lăng, thích lập dị,
Thành ra không đàng hoàng.

Bố cũng không thích lắm
Những chàng trai “thông minh”,
Cố tỏ ra uyên bác,
Nhiều khi đến hợm mình.

Ừ, họ thông minh thật,
Nhưng sự thông minh này
Không mang lại hơi ấm
Cho người nào xưa nay.

Người ham công tiếc việc
Cũng không hay lắm đâu.
Vì ham công tiếc việc,
Họ luôn bận trong đầu,

Nên không thể đơn giản
Sống thảnh thơi bình thường,
Không đưa con đi dạo,
Quên nói lời yêu thương.

Tất nhiên bố không muốn
Thấy người chồng của con
Đạo mạo và triết lý
Như một ông cụ non.

Trẻ, mà quá đạo đức,
Thường hay dễ cằn nhằn,
Thích nói điều to tát
Mà quên việc kiếm ăn.

Chồng giàu ư? Cũng tốt.
Nhưng hãy nhớ, người giàu
Cứ luôn muốn giàu mãi,
Gạt vợ con khỏi đầu…

Thế đấy con gái ạ.
Bố không ưa, không ưa…
Con nghe chắc chán lắm.
Ừ, bố cũng không vừa.

Con có thể hỏi lại:
Bố sẽ nghĩ thế nào,
Khi chồng con ngộ nhỡ
Không yêu bố thì sao?

Không sao cả con ạ.
Miễn là đẹp tâm hồn.
Bố nghĩ bố biết cách
Không cản đường các con.


BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG

Có chàng trai trẻ nọ
Nghe lời đồn, một lần
Gặp một người thành đạt,
Hỏi kinh nghiệm làm ăn.

Người thành đạt lặng lẽ
Đi vào bếp, quay ra
Với một quả dưa hấu
Vừa mới bổ làm ba.

Ba phần quả dưa hấu
Được bổ không đồng đều,
Với hai phần khiêm tốn,
Một phần to hơn nhiều.

“Xét về mặt lợi ích,
Nếu quy ra bằng tiền,
Anh chọn phần nào nhỉ?”
“Chọn phần to, tất nhiên.”

“Anh chọn thế là đúng. -
Chủ nhà cười hiền lành. -
Vậy tôi ăn miếng nhỏ,
Còn miếng lớn phần anh.”

Chàng trai ăn miếng lớn.
Chưa ăn hết thì ông
Đã chuyển sang miếng khác,
Với vẻ rất hài lòng.

Hai miếng nhỏ cộng lại
Lớn hơn miếng kia nhiều.
Tức là ông muốn nhắn
Với chàng trai một điều:

Rằng nếu muốn thành đạt,
Thì phải ngay từ đầu
Đừng tham cái lợi nhỏ
Mà thua thiệt về sau.


141
Nhiều người khi đọc sách
Thấy buồn chán. Vì sao?
Vì cái tâm chưa tĩnh,
Nên đọc mà không vào.

Còn một lý do nữa.
Đó là chọn sách sai.
Chọn sách như chọn bạn,
Nghiêm túc và lâu dài.

Không thể sống thiếu bạn.
Bạn là một phần đời.
Không thể sống thiếu sách.
Sách là bạn của người.

Bạn, có nhiều bạn xấu.
Sách, có cuốn không hay.
Chỉ mình anh có thể
Biết rõ được điều này.


145
Cuộc sống chỉ thực sự
Được bắt đầu khi anh
Dám rón rén cất bước
Khỏi tổ ấm gia đình.

Không có người che chở.
Gió bão quật tơi bời.
Nhưng đó chính là lúc
Anh thấm thía cuộc đời.

Và gió bão càng mạnh,
Sự thật càng đắng cay,
Anh càng được tôi luyện
Để đứng vững sau này.


158
Chân lý này chẳng lạ,
Rằng chúng ta con người
Thích nhàn, thích dễ dãi
Và, đặc biệt, thích lười.

Chỉ khi bị thúc ép
Hay nhờ quyết tâm cao,
Ta mới chịu làm việc,
Và bớt lười phần nào.

Tôi cũng không ngoại lệ,
Tức là cũng thích lười.
Thế mà vẫn đều đặn
Viết, viết mãi, suốt đời.

Là vì tôi cam kết
Với bản thân từ đầu:
Chưa viết, chưa đi ngủ,
Dẫu chỉ một vài câu.

Cũng khó chịu lắm đấy,
Nhưng dần dần sẽ quen.
Đến nay thì sự viết
Đã thành lẽ đương nhiên.

Nếu muốn, xin các bác
Cứ học tôi điều này.
Đưa mình vào kỷ luật,
Tạo thói quen hàng ngày.

Thói quen luôn đọc sách,
Giúp con cái học bài.
Giúp vợ rửa bát đĩa,
Không cần, không ra ngoài.

Các bác sẽ làm được,
Miễn là có quyết tâm.
Thí dụ, chưa rửa bát,
Cương quyết không đi nằm.


CHU DUNG CƠ – NGHỆ THUẬT TUỔI GIÀ

Xưa nghe người ta nói
Thủ tương Chu Dung Cơ
Có IQ cao lắm.
Cao đến mức bất ngờ.

Vừa rồi ông có viết
Bản tổng kết khá hay
Về nhân tình thế thái.
Xin tóm lược thế này.

Tháng năm trôi nhanh lắm.
Chẳng mấy chốc đã già.
Giờ thanh thản nhìn lại,
Điểm những gì đã qua.

Qua một ngày, đơn giản
Là ta mất một ngày.
Nhưng nếu biết sống đúng,
Là ta lãi một ngày.

Tiền không phải tất cả,
Nhưng cũng không là gì.
Khi sinh ta chẳng có,
Chết cũng chẳng mang đi.

Đừng coi trọng nó quá,
Càng không nên ki bo.
Cần tiêu, cứ thoải mái.
Cần cho thì cứ cho.

Tiền mua được sức khỏe
Thì hãy mua cho mình.
Tiền mua được cái sướng,
Càng nên mua cho mình.

Kiếm được tiền đã khó.
Khó hơn - biết tiêu tiền.
Mình phải làm chủ nó.
Ngược lại sẽ rất phiền.

*
Những tháng năm còn lại
Được sống thì sống đi.
Vậy hãy sống vui vẻ,
Khổ hạnh mà làm gì.

Cần mặc thì cứ mặc,
Cần chơi thì cứ chơi.
Đừng sợ công nghệ mới.
Già, sống là nghỉ ngơi.

*
Suy cho cùng, tiền bạc
Là của cháu con mình.
Công danh là quá khứ.
Sức khỏe mới của mình.

*
Bố mẹ yêu con cái
Là vô tận, vô cùng.
Con cái yêu bố mẹ
Có hạn và chung chung.

Con tiêu tiền bố mẹ
Coi như chuyện đương nhiên.
Hiếm khi thấy bố mẹ
Ngửa tay xin con tiền.

Ngôi nhà của bố mẹ
Là ngôi nhà của con.
Nhưng ngôi nhà của con
Không phải nhà bố mẹ.

Xưa nay luôn vẫn vậy.
Bố mẹ suốt cả đời
Sinh con, nuôi con lớn,
Chỉ mong chúng thành người.

Mà không chờ báo đáp.
Coi như nghĩa vụ mình.
Ai mong chờ báo đáp
Là tự làm khổ mình.

*
Ngộ nhỡ mình đau ốm,
Biết trông cậy ai đây?
Đặc biệt khi ốm nặng,
Phải nằm viện dài ngày.

Vợ và con không thể
Lúc nào cũng ngồi bên.
Họ mệt mỏi, rốt cục
Phải nhờ cậy đồng tiền.

*
Bí quyết của thanh thản
Là triết lý thông minh:
Trên - lắm kẻ thành đạt.
Dưới - ít ai bằng mình.

*
Sống, phải lòng rộng mở,
Tốt bụng với mọi người.
Vui vì làm việc thiện.
Vui vì giúp được đời.

Giàu sang chỉ tạm bợ,
Rồi ai cũng xuống mồ.
Sống thị và sống tốt
Hơn ghế cao, chức to.

Đời có hay có dở,
Lúc sướng, lúc gian nan.
Gặp khó, cứ bình tĩnh
Và không quá cầu toàn.

*
Tuổi già là cái tuổi
Sẽ không thực sự già
Nếu ta biết có được
Một cách sống hài hòa.

Vui, không vui thái quá.
Không thái quá khi buồn.
Quá nhàn thành buồn tẻ,
Đau đầu vì quá ồn.

*
Đừng nghĩ già là hết,
Không còn nhu cầu chơi.
Hãy tìm trò thích hợp
Mà sống khỏe với đời.

Cả chuyện tâm, sinh lý,
Cả đối với người già
Cũng phải giữ đều đặn
Cho khí huyết lưu hòa.

*
Cái Sinh Lão Bệnh Tử
Là quy luật của trời.
Lúc phải chết thì chết,
Xứng đáng một con người.

Không cưỡng được số mệnh,
Nuối tiếc mà là gì.
Ta đặt dấu chấm hết
Rồi thanh thản ra đi.



Ngẫu hứng khi đọc Tam Tự Kinh

1.
Nhân chi sơ bản thiện.
Ai cũng tốt ban đầu.
Tính tương cận, tương viễn.
Sau này mới khác nhau.

2.
Khi sinh ai cũng tốt.
Do giáo dục sau này,
Từ những người tốt ấy
Thành kẻ xấu, người ngay.

3.
Lắm thương, lắm đau khổ.
Tích nhiều sẽ mất nhiều.
Biết vừa là biết đủ.
Biết dừng là biết điều.

4.
Bản tính người vốn thiện,
Nhưng phải dạy từ đầu.
Trong việc dạy - quan trọng,
Phải dạy đều, dạy lâu.

5.
Con hư tại bố mẹ
Không bảo ban hàng ngày.
Dạy mà không nghiêm khắc,
Trò hư là tại thầy.

6.
Ngọc mà không gọt dũa -
Chỉ viên đá bình thường.
Người mà không chịu hoc
Dễ thành người bất lương.

7.
Đạo làm con - từ nhỏ
Không được quá ham chơi.
Phải tìm thầy học chữ,
Học lễ nghi làm người.

8.
Ông Hoàng Hương, chín tuổi
Đã biết lấy thân mình
Làm ấm chăn cha đắp.
Thật chí hiếu, chí tình.

9.
Ông Khổng Dung, bốn tuổi,
Biết nhường lê cho anh.
Đó là tình huynh đệ,
Phải rèn luyện mới thành.

10.
Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín -
Ấy là năm đại thường.
Bao trùm lên tất cả
Là tình yêu, tình thương.

11.
Đời có ba rường cột:
Vua phải thương dân mình.
Cha con phải hòa thuận.
Vợ chồng phải có tình.

12.
Khổng Tử dạy: Trước hết
Phải biết lo tu thân.
Thứ đến yêu cha mẹ.
Mọi cái sau học dần.

13.
Tiếc bây giờ con trẻ
Không học Tam Tự Kinh.
Học để biết lễ nghĩa,
Biết chữ hiếu, chữ tình.

14.
Thứ nhất phải học lễ,
Sau mới đến học văn.
Nhưng khi đói trước hết
Phải lo học kiếm ăn.

15.
Trẻ học xong Tiểu Học
Mới chuyển sang Tứ Thư.
Vì học lời của thánh,
Nên học chậm, từ từ.

16.
Tứ Thư có bốn cuốn.
Đại Học là cuốn đầu.
Tu thân phải học trước,
Tề gia mới học sau.

Quên đi chuyện trị nước.
Bình thiên hạ - tránh xa.
Con người tốt hay xấu
Ở tu thân, tề gia.

17.
Luận Ngữ của Tứ Thư
Chỉ hai mươi chương nhỏ.
Mọi triết lý cuộc đời
Gần như nằm trong đó.

18.
Sách Trung Dung Khổng Tử
Súc tích và kiệm lời.
Không thể không đọc nó
Để trung dung ở đời.

Tử Tư, cháu Khổng Tử
Biên soạn cuốn sách này.
Ba mươi ba chương nhỏ.
Giá trị đến ngày nay.

19
Sách Mạnh Tử
Chỉ bảy chương.
Giảng đạo đức,
Thuyết luân thường.

20.
Tam Tự Kinh, sách cổ,
Thâm thúy và thật hay.
Ngoài việc học lời Bác,
Trẻ nên học cuốn này.

21.
Sau đời vua Nghiêu Thuấn
Là đến Hạ, Thương, Chu
Với ba vua kiệt xuất
Để tiếng tốt nghìn thu.

Nhà Hạ có vua Vũ.
Vua Thang đời nhà Thương.
Nhà Chu - vua Văn, Vũ,
Thành Tam Đại đế vương.

22.
Đạo Đức Kinh Lão Tử
Dạy vô vi, phớt đời.
Kinh Nam Hoa Trang Tử
Lấy ngụ ngôn dạy người.

Trong các sách chư tử
Nên đọc cả thầy Tuân,
Tức Tuân Tử nước Sở,
Và thầy Vương, thầy Văn.

23.
Chuyện Ngu Công dời núi
Có thể chỉ hoang đường.
Nhưng không có chuyện ấy
Đời sẽ thành tầm thường.

24.
Đời loạn - về ở ẩn.
Đời thịnh ra làm quan.
Nhờ học theo Khổng Tử,
Tôi được sống an nhàn.

25.
“Tôi may được hơn ngưòi
Nhờ biết đứng sau người”.
Lão Tử nói câu ấy.
Đáng noi theo, nhớ đời.

26.
Quá mê nàng Đất Kỷ,
Vua Trụ thành bất lương.
Vua Vũ dấy quân đánh -
Nhà Chu thay nhà Thương.

27.
Hán Cao Tổ dựng nghiệp,
Truyền được mười hai đời.
Sau bị Vương Mãng tiếm,
Để bài học cho đời.

28.
Thông minh như Khổng Tử
Mà cũng luôn học người.
Ngài học cả Hạng Thác,
Một cậu bé lên mười.

29.
Triệu Phổ học Luận Ngữ
Giúp Thái Tổ, Thái Tôn.
Nửa cuốn giúp vua bố.
Nửa kia giúp vua con.

30.
Ông Tôn Kinh nước Tấn
Hiếu học, mồ côi cha.
Sợ ngủ quên, khi học
Tự treo ngược lên xà.

31.
Xả Doãn bắt đom đóm
Cho vào lọ làm đèn,
Đọc cho đến tận sáng,
Lĩnh hội ý thánh hiền.

32.
Bố thi hào Tô Thức
Mãi đến gần ba mươi
Mới bắt đầu học chữ,
Sau dạy con thành người.

33.
Ông Lương Hiệu nước Tống,
Dẫu sức yếu, tuổi già,
Vẫn đi thi, đỗ Trạng,
Ở tuổi gần tám ba.

34
Con ong cho mật ngọt,
Làm việc không nghỉ ngơi.
Còn nhỏ không chịu học,
Sau lấy gì cho đời?
QUAN TRỌNG LÀ CÁCH NÓI

Một nhà chiêm tinh nọ
Được vua gọi vào chầu.
“Ngươi hãy nói ta biết,
Ta sống thọ bao lâu?”

“Dạ, muôn tâu hoàng thượng,
Đại đức và đại tài,
Ngài sống lâu, đến mức
Con cháu chết trước Ngài!”

Nhà vua nghe chữ chết,
Rất khó chịu trong lòng,
Cho đó là điềm gỡ,
Rồi ra lệnh chém ông.

Một nhà chiêm tinh khác
Cũng được hỏi câu này.
“Bẩm, hoàng thượng rất thọ.
Hiếm có ở đời này.

Ngài là người thọ nhất
Trong hoàng cung, thọ hơn
Tất cả các bà vợ,
Thậm chí cả cháu con!”

Nghe ông này nói thế,
Vua thực sự hài lòng,
Bèn ra lệnh ban thưởng
Mấy đồng vàng cho ông.

Vậy là chúng ta thấy.
Cùng một ý như nhau.
Nói thế này được thưởng.
Nói thế kia mất đầu.

*
Tiên Tri Mu-ha-mat
Và cả Đức A-la
Rất coi trọng lời nói,
Và luôn dạy chúng ta

Phải lựa lời mà nói.
Lời nói không mất tiền.
Muốn ác thì nó ác.
Muốn hiền thì nó hiền.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét