Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Tứ Thư và Hắc Hậu Học liệu có mâu thuẫn?



Kế hoạch lập ra cho mấy ngày bi tiêu tan hoàn toàn bởi 2 tác phẩm kinh điển của Trung Quốc. Tứ Thư của Khổng Tử và Hắc Hậu Học của Lý Tôn Ngô. Tứ Thư bao gồm: Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử trong đó 2 phần Đại Học và Trung Dung là  đáng xem nhất vì nó dạy ta cách làm người, làm một bậc quân tử. Phần thứ nhất đại học dạy ta cái gốc dễ của vạn vật là ở chính mình. Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Muốn bình thiên hạ thì trước tiên phải trị nước, muốn trị nước thì phải tề gia, muốn tề gia thì phải tu thân trước đã. Bản thân không tốt thì lấy gì để cho người khác noi theo. Gia đình không êm ấm thì nói gì đến trị nước. Muốn tu thân thì trước tiên phải thành thật với những ý niệm mình phát ra, muốn thành thật với những ý niệm mình phát ra thì phải không ngừng trau dồi kiến thức, muốn có kiến thức thì phải nghiên cứu chân lý của vạn vật. Muốn chính tâm thì trước tiên phải có ý chí, ý chí đã rõ ràng thì cái tâm mới được an nhàn, tâm an nhàn thì làm việc gì cũng sáng suốt tinh tường, và như vậy là đạt tới cảnh giới của chí thiện. Phần thứ 2 Trung Dung dạy ta cách làm sao để cân bằng được ý nghĩ và việc làm ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập, và phải cố gắng ở đời theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Học tứ thư của khổng tử quả thật cho tôi sáng mắt, sáng lòng tuy nhiên nhìn theo một góc độ nào đấy thì dường như nó không hoàn toàn đúng và thiết thực trong cái xã hội đầy rối ren và phức tạp. Tự bản thân tôi suy nghĩ ở Tứ Thư có những điều đáng để ta phải học tuy nhiên không máy móc bởi rất có thể ta sẽ trở thành một con mọt sách, chỉ có lý thuyết xuông và thậm chí là một kẻ ngụy quân tử.
Tác phẩm thứ 2 Mặt dày, tâm đen (được bắt nguồn từ tác phẩm Hắc Hậu Học của Lý Tôn Ngô). Có thể nói chưa bao giờ tôi lại bị ảnh hưởng mạnh mẽ đến như vậy khi đọc một tác phẩm. Ảnh hưởng bởi những tư tưởng này hoàn toàn đi ngược lại với những qui chuẩn về đạo đức đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Nó hoàn toàn trái ngược với những gì Khổng Tử giáo huấn. Nó khiến tôi vướng trong vòng luẩn quẩn mà không thể thoát ra được. Nhưng tại sao tôi lại không thể không đọc nó?
Thực sự ra mà nói, nó lại chứa ẩn một điều gì đó mà tôi đang thiếu sót. Với những gì tôi đã trải qua thì dường như tác phẩm ẩn chứa một chân lý đúng đắn với tôi. Chỉ có điều tôi chưa tìm ra được một con đường phù hợp nhất dung hòa giữa những triết lý của Khổng Tử và những điều thâm thúy, sâu sa của Lý Tôn Ngô.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét